Khách hàng mua sắm trong một cửa hàng của Louis Vuitton ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Theo báo cáo của công ty tư vấn Bain, những người giàu nhất Trung Quốc đang tránh phô trương sự giàu có của mình để theo đuổi một phong cách kín đáo hơn.

Bain dự đoán thị trường xa xỉ toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch.

Năm nay, doanh số toàn cầu của hàng hóa cá nhân cao cấp, bao gồm quần áo, phụ kiện và sản phẩm làm đẹp, sẽ tăng từ 0-4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức tăng trưởng doanh số bán hàng yếu nhất kể từ năm 2020 khi doanh số bán hàng sụt giảm trong đại dịch COVID-19.

Dự báo trên được đưa ra giữa bối cảnh những vấn đề về kinh tế đè nặng lên tầng lớp trung lưu và khiến những người vẫn có đủ khả năng chi trả cho hàng xa xỉ thận trọng trước sự phô trương.

Bà Federica Levato, đối tác của Bain, nhận định thị trường xa xỉ phẩm chắc chắn đang trong thời điểm đình trệ. Sau hai năm rưỡi tăng trưởng, thị trường hàng hóa xa xỉ cá nhân đang dần suy yếu.

Trong môi trường thất nghiệp và khó khăn kinh tế, những người Trung Quốc giàu có hơn đã chuyển chi tiêu của họ ra ngoài Đại lục.

Tập đoàn Beiersdorf của Đức chuyên sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân dự báo thị trường chăm sóc da cao cấp của Trung Quốc đang "suy giảm mạnh" trong năm nay, dù các loại kem La Prairie có giá vài trăm USD một lọ của tập đoàn này giành được thị phần.

Báo cáo của Bain sẽ củng cố mối lo ngại của các nhà đầu tư rằng nhu cầu hàng xa xỉ của Trung Quốc sẽ khó phục hồi.

Theo bà Levato, thay vì đổ xô đến các trung tâm thương mại, người giàu đang có xu hướng mua sắm kín đáo hơn. Tuy nhiên, bà Levato dự đoán xu hướng này có thể không kéo dài.

Dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện ở Mỹ, khi nhiều khách hàng giàu có dẫn dắt đà tăng trưởng, trong khi những người mua sắm trẻ hơn hơn tiếp tục trì hoãn việc mua hàng.

Tại châu Âu và Nhật Bản, sự trở lại của du khách nước ngoài đã thúc đẩy doanh số bán hàng xa xỉ./.